Tuyển Việt Nam không ngại Trung Quốc

Tuyển Việt Nam không ngại Trung Quốc

Trận thứ 3 Vòng loại cuối World Cup 2022 Qatar

01:00 sáng ngày 8/10/2021

Bóng đá Việt Nam từng trải qua giai đoạn “kim tiền” như Trung Quốc nhưng đã vượt lên để đạt được bước phát triển như hôm nay.

Cơn bão kim tiền của bóng đá Trung Quốc trong những năm qua thực chất không hề xa lạ với người yêu bóng đá Việt Nam. Hơn chục năm trước, V.League cũng từng bị thống trị bởi túi tiền từ những ông chủ. Hệ quả với hai nền bóng đá là giống hệt nhau: hàng loạt vụ chuyển nhượng bom tấn nổ ra, đầu tư cho đào tạo trẻ bị quên lãng, giải quốc nội xuất hiện nhiều vấn đề còn đội tuyển quốc gia từng bước suy yếu.

Sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam bước vào thời kỳ thoái trào và chỉ hồi sinh trở lại nhờ sự xuất hiện của những mầm non mới, thành tựu của hệ thống đào tạo trẻ ra đời vào cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ. Đó là bằng chứng sống cho thấy tiền quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định mang tới thành công trong bóng đá.

Tiền có cứu được bóng đá Trung Quốc?

“Với tiền của các tập đoàn, Trung Quốc hoàn toàn có thể mơ về chức vô địch World Cup”, HLV Sven-Goran Eriksson từng nói.

Dự đoán của chiến lược gia người Thụy Điển chưa trở thành sự thật. Sau hai thất bại của tuyển Trung Quốc ở vòng loại World Cup 2022 vừa qua, nó thậm chí giống một câu chuyện cười.

Tuyển Trung Quốc luôn là thế lực của bóng đá châu Á. Năm 2002, họ dự World Cup đầu tiên. Thành tựu ấy cùng những khoản đầu tư khổng lồ tưởng chừng giúp bóng đá Trung Quốc nhanh chóng “hóa rồng”. Nhưng mọi thứ không diễn ra như vậy. Xứ tỷ dân chưa trở lại Cúp thế giới thêm một lần nào nữa. Ở bình diện châu Á, họ cũng sa sút, vắng mặt ở bán kết Asian Cup 4 kỳ gần nhất. Từ vị trí dự World Cup, Trung Quốc rớt khỏi nhóm siêu cường châu Á, nơi 5 ông lớn Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iran và Saudi Arabia đang thống trị.

Những nhà chiến lược đều thống nhất rằng có 4 trụ cột cho sự phát triển bóng đá của một quốc gia gồm bóng đá phong trào, đào tạo trẻ, giải vô địch quốc nội và đội tuyển quốc gia. Người Trung Quốc dường như chỉ làm tốt ở một khía cạnh.

Năm 2017, Guardian từng sửng sốt khi các CLB Trung Quốc tung 331 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, con số ngang ngửa những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Đó đã luôn là cách Chinese Super League (CSL) vận động trong nhiều năm. Với nguồn tiền không đáy, họ kéo Oscar đang ở đỉnh cao sự nghiệp về từ Chelsea, đưa Carlos Tevez tới châu Á, chiêu mộ Paulinho, Ramires, Hulk và nhiều tên tuổi lớn khác. Những băng ghế huấn luyện ở Trung Quốc có Marcello Lippi, Fabio Capello, Guus Hiddink…

Sự đầu tư khổng lồ giúp các CLB Trung Quốc bước lên đỉnh cao với hai chức vô địch AFC Champions League của Quảng Châu Hằng Đại mùa 2013 và 2015. Người ghi bàn trong các trận chung kết ấy là Elkeson, chân sút sẽ đối đầu tuyển Việt Nam đêm nay.

Nhưng đó cũng là tất cả.

Giải Trung Quốc thay da đổi thịt. Nhưng trình độ cầu thủ Trung Quốc thì không. Học hỏi mô hình Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc áp quy định 5 ngoại binh cộng một nhập tịch cho các CLB. Sự xuất hiện ồ ạt của các cầu thủ nước ngoài bóp nát cơ hội của tài năng bản địa vốn chưa đủ nội lực. CLB Trung Quốc càng hay thì đội tuyển quốc gia càng tệ. Đấy là lý do vì sao Trung Quốc giờ chỉ còn một mình Wu Lei là ngôi sao đẳng cấp.

Hạn chế trình độ của cầu thủ Trung Quốc liên quan trực tiếp tới năng lực đào tạo trẻ và bóng đá phong trào. Người Trung Quốc đề ra một kế hoạch vĩ đại với 50.000 trường bóng đá trên cả nước, CLB Quảng Châu Hằng Đại ghi danh sách kỷ lục Guinness với học viện có 22 sân bóng, mở cửa từ năm 2012. Sản phẩm tự hào nhất, từng được họ ca ngợi là thiên tài, Zhang Aokai ra mắt đội một năm 16 tuổi. Nhưng 5 năm qua, anh chưa chơi thêm một trận chuyên nghiệp nào.

Kết quả đào tạo trẻ Trung Quốc phản ánh rõ ràng qua thành tích. 15 năm qua, U19 Trung Quốc đều vắng mặt ở chung kết châu Á, lần vô địch cuối cùng là năm 1985. U23 Trung Quốc chưa từng vào tốp 4 từ khi giải đấu này ra đời dù năm 2018, họ là chủ nhà. Đó cũng là năm U23 Việt Nam vào chung kết.

Guardian tin rằng có những lý do rõ ràng cho thất bại của Trung Quốc trong việc phát triển nội lực cầu thủ. Cái tôi lớn cùng ý chí cạnh tranh dữ dội là điểm mạnh của người Trung Quốc trong các môn thể thao cá nhân. Nhưng nó ngăn cản họ thành công trong các môn chơi tập thể. Cộng thêm sự thiếu kiên nhẫn của các cấp lãnh đạo, bóng đá Trung Quốc tỏ ra không quen với các kế hoạch dài hơi. Họ muốn thành công ngay lập tức, điều rõ ràng là không thể với đào tạo trẻ.

Chủ tịch Tập đoàn Đại Liên Wang Jianlin, người từng mua 20% cổ phần Atletico Madrid, phải lên tiếng kêu gọi sự kiên nhẫn từ bóng đá Trung Quốc hồi năm 2017: “Tuyển Trung Quốc đang chơi không như kỳ vọng. Do nguồn vốn đầu tư tăng gấp đôi, CSL đang phát triển mạnh mẽ. Nhưng số lượng thanh niên Trung Quốc chơi bóng tăng không đáng kể. Rõ ràng, chúng ta không thể kỳ vọng vào các thành tựu chỉ trong 3 hay 5 năm. Nhưng không bao giờ là quá muộn để hành động nhằm phát triển hệ thống đào tạo trẻ, tổ chức các giải trẻ và xây dựng cơ cở vật chất cho những điều đó đâu”.

Tiếc rằng, chưa nhiều người Trung Quốc có tầm nhìn như Wang Jianlin.

Bức tranh đối lập

Cơn sốt kim tiền của bóng đá Trung Quốc chính là những gì V.League từng chứng kiến ở một cấp độ thấp hơn trong quá khứ.

Sau khi lên chuyên nghiệp hồi đầu thế kỷ, giải vô địch quốc gia Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt doanh nghiệp cùng những ông bầu như bầu Đức, bầu Thắng, bầu Trường, bầu Kiên, bầu Đệ… Họ lập tức tạo ra những bom tấn chuyển nhượng, đưa về hàng loạt ngoại binh tên tuổi như Kiatisuk Senamuang, Lee Nguyễn, Denilson…

Cuộc đua ấy từng tạo ra những hiện tượng như CLB Bình Dương với đội hình có 7 “Tây”. Đó là giai đoạn đào tạo trẻ bị quên lãng, ngoại binh lấn át cầu thủ nội. Sau chức vô địch AFF Cup 2008, các vấn đề nhanh chóng xuất hiện, đẩy bóng đá Việt Nam vào giai đoạn khủng hoảng từ năm 2011 tới 2013, thời kỳ mà tuyển quốc gia và U23 không vượt qua nổi vòng bảng của mọi giải đấu.

Cùng lúc ấy, V.League chìm trong bạo lực sân cỏ, vấn nạn trọng tài, các ông bầu lần lượt rời bỏ giải đấu. Mâu thuẫn chỉ phần nào được xua tan với sự ra đời của Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) hồi năm 2011.

Nhìn lại đội tuyển Việt Nam lúc này, chúng ta thấy phần lớn đội tuyển là sản phẩm của những trung tâm đào tạo trẻ chưa hề tồn tại trước thời điểm năm 2007. Họ là thành tựu của một tư duy làm bóng đá mới, của một tầm nhìn dài hạn, bài bản hơn hẳn từ những ông bầu. Bởi vậy, tuyển Việt Nam hôm nay chuyên nghiệp, kỷ luật, được trang bị tốt hơn, có ý thức và định hướng rõ ràng về nghề nghiệp của họ.

Khác với chục năm trước, V.League không còn những bom tấn chuyển nhượng. Cả ba CLB tiêu biểu của giải đấu là HAGL, Viettel và Hà Nội đều sống chủ yếu bằng nguồn cầu thủ tự đào tạo. Số lượng ngoại binh và cầu thủ nhập tịch giới hạn xuống 3+1. Thị trường chuyển nhượng V.League thậm chỉ trở nên nhàm chán khi có quá ít các vụ chuyển nhượng liên quan tới nhóm tuyển thủ quốc gia hiện tại.

Nhưng chính đội tuyển trẻ trung và những CLB đi lên từ nội lực ấy lại đang làm nên chuyện. Tuyển Việt Nam mới này là đội tuyển tốt nhất lịch sử, V.League hôm nay là V.League thành công nhất khi bước ra sân chơi châu Á (bằng chứng là thành tựu của CLB Hà Nội và Bình Dương ở mùa 2019).

Hai thực tại đối nghịch giữa bóng đá Việt Nam và Trung Quốc cho thấy làm bóng đá không thể không có tiền. Nhưng tầm nhìn và sự kiên nhẫn còn quan trọng hơn những đồng tiền đó.

Điểm số đầu tiên

Trước vòng loại thứ ba, người Trung Quốc muốn đội tuyển dự World Cup bằng mọi giá. Họ đã đầu tư rất lớn, nhập tịch hàng loạt cầu thủ chất lượng, di chuyển tới UAE sớm một tháng. Với họ, thất bại sẽ là nỗi hổ thẹn cực lớn với một quốc gia từng đặt mục tiêu trở thành “cường quốc bóng đá hàng đầu” vào năm 2050.

Ở chiều ngược lại, tuyển Việt Nam chỉ đặt mục tiêu tiến xa nhất có thể trong lần đầu tới vòng loại thứ ba. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng nói về World Cup, nhưng đó là mong muốn cho Cúp thế giới kế tiếp vào năm 2026.

Khác biệt rõ ràng về mục tiêu đồng nghĩa áp lực lớn hơn dành cho phía Trung Quốc.

Vài năm trước, nếu ai đó nói rằng tuyển Việt Nam có thể hòa Trung Quốc, đó sẽ là điều phi lý. Nhưng ngày nay, khả năng ấy là có thể. Nói như cựu HLV trưởng tuyển quốc gia HLV Phan Thanh Hùng, khoảng cách giữa đôi bên đã thu ngắn lại đáng kể.

Những kết quả gần đây giữa hai đội cũng phản ánh điều đó. Tuyển Việt Nam thua Australia trong một trận đấu mà chúng ta đã khiến đội bạn toát mồ hôi. Còn Trung Quốc thua chính đối thủ này 3 bàn trắng. Tuyển Việt Nam dứt điểm nhiều hơn Australia, có cơ hội rõ ràng và còn bị từ chối một quả phạt đền đầy tranh cãi. Chiều ngược lại, Trung Quốc rời sân mà không có một cú sút trúng đích.

Đương nhiên, bóng đá không phải là trò chơi có tính bắc cầu. Nhưng so sánh trên đã củng cố cơ hội của thầy trò ông Park Hang-seo.

Vị trí hiện tại của tuyển Việt Nam và Trung Quốc là ở cuối bảng. Sau chiến thắng của Oman trước Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc rõ ràng là hai đội yếu nhất. Nên cũng hợp lý thôi khi người hâm mộ đôi bên kỳ vọng đội tuyển của mình sẽ có những điểm số đầu tiên. Cả hai đội tuyển đều tin rằng đây có thể là cơ hội giành điểm duy nhất của mình.

Trước Saudi Arabia, tuyển Việt Nam thua 1-3, cách biệt là 2 bàn. Trước Australia, tỷ số là 0-1, cách biệt là 1 bàn. Nếu quy luật ấy vẫn đúng, điểm số đầu tiên hoặc hơn thế nữa đang chờ thầy trò ông Park trước Trung Quốc.

MEIHAO.ME

Nguồn ảnh: VFF – Liên đoàn bóng đá Việt Nam

Nguồn Bài Viết: Zing.vn

Để lại bình luận của bạn